GIẢI PHÁP BẢO VỆ SỨC KHỎE KHI GIAO MÙA
Thời tiết giao mùa “ẩm ương”, nhiệt độ thay đổi thất thường khiến cơ thể suy giảm sức đề kháng, dễ bị các vi khuẩn, vi rút tấn công gây mệt mỏi, bị cảm hay ốm vặt. Dưới đây là 7 bí quyết giúp bạn sống khỏe – sống khỏe khi giao mùa.
1. Uống đủ 2 lít nước/ngày
Giao mùa vào thu thời tiết sẽ trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn nên bạn sẽ ít có cảm giác khát nước như mùa hè. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta uống ít nước đi. Chúng ta vẫn cần phải cung cấp ít nhất 2 lít nước/ngày để giúp các cơ quan trong cơ thể vận động trơn tru, đào thải độc tố – những chất làm suy yếu hệ thống miễn dịch.Đồng thời, giúp làn da bổ sung đủ độ ẩm để duy trì vẻ đẹp và làm chậm quá trình lão hóa da.
2. Vệ sinh cơ thể đúng cách
Vệ sinh có thể coi là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các căn bệnh ho và cảm cúm. Việc tiếp xúc với môi trường khói bụi, nhiều vi khuẩn – đặc biệt trong thời tiết giao mùa rất thuận lợi để vi khuẩn phát triển sẽ khiến chúng dễ dàng tấn công hệ thống sức khỏe của bạn. Do đó, hãy thực hành thói quen vệ sinh tốt như: đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay định kỳ, sử dụng khăn lau khi hắt hơi, sẽ giúp hạn chế sự tác động của vi rút, vi trùng và các tác nhân gây dị ứng…
3. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Đây là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa tác động của vi rút, vi khuẩn và tăng cường sức đề kháng. Tăng cường bổ sung thật nhiều rau xanh, trái cây theo mùa sẽ giúp cơ thể được cung cấp một lượng vitamin dồi dào để tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, hạn chế món cay – nóng và chú trọng bổ sung thực phẩm giàu vitamin C cho cơ thể. Vitamin C sẽ giúp cơ thể thích nghi với sự thay đổi thời tiết, tăng cường hệ thống miễn dịch và làm giảm các triệu chứng cảm lạnh.
Thực phẩm được khuyến khích ăn vào mùa thu bao gồm vừng, mật ong, lê, khoai, ớt chuông đỏ, trái cây khô, bí đỏ, gừng, bông cải xanh…
4. Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
Bên cạnh các thực phẩm ăn uống hàng ngày, việc bổ sung thêm các thực phẩm chức năng và sản phẩm bổ sung là cách hiệu quả để tăng sức đề kháng, tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Cần lựa chọn các sản phẩm đến từ các thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã có quá trình kiểm chứng chất lượng từ người dùng.
5. Vận động nhẹ nhàng vào sáng và tối
Thời tiết mát mẻ của mùa thu là thời điểm thích hợp để tập thể dục, rèn luyện thân thể. Tuy nhiên, ở thời điểm giao mùa, nhiệt độ vẫn còn khá cao nên bạn cần tránh vận động vào buổi trưa, tranh thủ vận động vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối là tốt nhất. Hình thức vận động an toàn nhất là chạy bộ chậm rãi, đi bộ đường dài, đạp xe…
Nếu có dấu hiệu mệt mỏi, cảm thì cần tránh đến phòng tập và tập các bài tập nặng. Bởi tập thể dục vào lúc này không những không tốt mà còn khiến bạn dễ bị ốm hơn vì nó tạo thêm gánh nặng cho cơ thể, cơ thể mất sức mệt mỏi.
6. Chuẩn bị áo mưa, áo khoác mỏng trước khi đi ra ngoài
Thời tiết giao mùa thu nhiệt độ thường xuống thấp vào buổi sáng và tối. Do đó, bạn hãy chuẩn bị sẵn áo khoác mỏng trước khi ra ngoài để phòng sự thay đổi nhiệt độ dẫn đến tình trạng cảm lạnh, ho hoặc sốc nhiệt. Mùa thu cũng thường có những cơn mưa thất thường, do đó, bạn hãy chủ động mang theo áo mưa để tránh bị ướt, cảm lạnh. Đặc biệt chú ý người già và trẻ em.
Luôn mang theo áo khoác mỏng sẽ giúp bạn chủ động trước sự thay đổi nhiệt độ tránh cảm lạnh hoặc sốc nhiệt
7. Ngủ sớm và dậy sớm
Thức khuya có thể gây rối loạn nội tiết, làm tăng cân, suy giảm sức đề kháng… Trong khi dậy muộn lại khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống. Do đó, trong khi thời tiết giao mùa vào thu ẩm ương, bạn cần duy trì thói quen ngủ sớm, dậy sớm để tăng cường khả năng miễn dịch, làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim, thận, huyết áp cao, tiểu đường… Đồng thời, xây dựng thói quen này còn giúp cơ thể có nhiều năng lượng hơn, có cảm xúc tích cực hơn, đầu óc linh hoạt, tập trung nhanh hơn và nhờ vậy sẽ giúp nâng cao hiệu quả công việc tốt hơn.